03 Cách Tra Cứu Thời Gian Đóng Bảo Hiểm Thất Nghiệp
Người lao động có nhu cầu tra cứu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để tính hưởng chế độ thì có thể thực hiện bằng 1 trong 3 cách sau đây:
Tra cứu bảo hiểm thất nghiệp trên sổ BHXH
Đầu tiên là cách đơn giản nhất mà người lao động nào cũng có thể thực hiện đó là xem trực tiếp trên sổ BHXH.
Hiện nay, theo quy định thì công ty đã giao sổ BHXH cho người lao động tự quản lý, nên người lao động có thể dễ dàng xem được thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của mình ngay trên sổ BHXH.
Tuy nhiên, cách này có điểm hạn chế là nếu bạn nghỉ việc mà Công ty chưa chốt sổ BHXH cho bạn thì sẽ không tính được chính xác thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Người lao động dễ dàng xem được thông tin thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp ngay trên sổ BHXH của mình
Tra cứu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên VssID
Để thực hiện tra cứu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên VssID thì người lao động thực hiện như sau:
Bước 1: Mở ứng dụng VssID, nhập Mã số bảo hiểm xã hội, Mật khẩu và nhấn Đăng nhập để vào tài khoản VssID.
Bước 2: Tại mục Quản lý cá nhân, chọn Quá trình tham gia.
Bước 3: Chọn vào mục BHTN để xem thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Nhấn vào icon con mắt để xem thông tin chi tiết các đợt đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Tra cứu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam
Bước 1: Truy cập vào website Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam tại địa chỉ: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/dang-nhap-tra-cuu.aspx
Bước 2: Nhập mã số BHXH vào ô và nhấn tick vào ô Tôi không phải là người máy.
Bước 3: Làm theo yêu cầu hệ thống để xác nhận và nhấn Lấy mã OTP.
Bước 4: Nhập mã OTP được gửi về số điện thoại đăng ký tài khoản bảo hiểm điện tử và nhấn Đăng nhập.
Bước 5: Nhập tiếp mã số BHXH của người cần tra cứu. Sau đó nhấn tick vào ô Tôi không phải là người máy và nhấn Tra cứu để xem thông tin về thời gian đóng Bảo hiểm thất nghiệp của bạn.
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp
Theo Điều 45 Luật Việc làm 2013 thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:
– Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
– Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trước đó của người lao động không được tính để hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo.
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho lần hưởng bảo hiểm thất nghiệp tiếp theo được tính lại từ đầu, trừ trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại các điểm b, c, h, l, m và n khoản 3 Điều 53 của Luật Việc làm 2013.
– Thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp không được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về viên chức.
Hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo Điều 46 Luật Việc làm 2013 quy định về hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
– Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.
– Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận đủ hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; trường hợp không đủ điều kiện để hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp thì phải trả lời bằng văn bản cho người lao động.
– Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.